Việt Nam xây dựng nhà máy điện mặt trời 30MW

Dự án nhà máy điện mặt trời do liên danh Công ty cổ phần năng lượng Sông Lam Sơn La và Công ty TNHH Đầu tư & Xây dựng Sông Lam làm chủ đầu tư theo hình thức đầu tư trong nước, với tổng số vốn đầu tư lên tới 800 tỷ đồng (35 triệu Mỹ kim). Đại diện Công ty cổ phần năng lượng Sông Lam Sơn La ông Trần Tiến Sinh cho PV Tech biết hiện công ty vẫn đang trong quá trình lựa chọn ngân hàng thương mại để vay vốn cho dự án. 

Tuy vậy, liên danh 2 công ty sẽ đóng góp nguồn vốn tự có bằng 30% tổng vốn đầu tư (242 tỷ đồng) (10,6 triệu Mỹ kim), 70% còn lại sẽ là vốn vay từ ngân hàng thương mại.

Công ty cổ phần năng lượng Sông Lam Sơn La cho PV Tech biết công tác xây dựng sẽ đươc tiến hành vào quý 4 năm 2017 và vận hành thương mại vào quý 4 năm 2018. Dự án được đặt tại huyện Yên Định với diện tích đất sử dụng là 650.000 m2, cách Hà Nội khoảng 160km về phía nam.

Nhà máy bao gồm 90.640 module c-Si polysilicon được Công ty cổ phần năng lượng Sông Lam Sơn La lựa chọn với các tiêu chí có sẵn trên thị trường quốc tế, giá thành mua sắm và lắp đặt cạnh tranh, độ bền cao và độ sụt giảm hiệu suất hàng năm thấp.

Thị trường điện mặt trời tại Việt Nam

Nhà máy điện mặt trời công suất lớn sẽ từng bước đưa Việt Nam tiến lại gần hơn mục tiêu sản xuất 10% điện từ các nguồn năng lượng tái tạo tới năm 2030. Chính quyền địa phương cho biết thị trường năng lượng tái tạo phát triển mau chóng của Việt Nam sẽ đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư khi họ tham gia vào quá trình tiến tới năng lượng sạch của Việt Nam.

“Trong quá trình vận hành, lượng điện do nhà máy phát ra sẽ bổ sung một lượng điện sạch đáng kể cho phụ tải của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và khu vực xung quanh nói chung. Việc xây dựng nhà máy phù hợp với định hướng phát triển năng lượng sạch của chính phủ và đóng góp một phần vào việc làm giảm ô nhiễm, giảm phát thải khí carbon do nhiên liệu hóa thạch sinh ra" ông Trần Tiến Sinh cho biết.

Nhu cầu điện của đất nước dự kiến tăng trưởng hàng năm là 13% trong 4 năm tới.

Việt Nam gần đây cũng đã phê chuẩn cơ chế giá điện phát lên lưới vốn được mong chờ từ lâu, cơ chế có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 tới 30/6/2019. 

“Cơ chế giá điện lên lưới đóng vai trò quan trọng như một đòn bẩy cho sự phát triển điện mặt trời để tận dụng tiềm năng của Việt Nam về năng lượng mặt trời" ông Sinh nói.
 

By Danielle Ola  
(Nguồn PV Tech)