Để tìm hiểu và học tập kinh nghiệm đầu tư phát triển các nhà máy quang điện, trong các ngày từ 11 – 15/05/2016, giám đốc Công ty TNHH Đầu tư & Xây dựng Sông Lam Nguyễn Như Hùng, phó giám đốc Hoàng Quốc Hạnh và các cán bộ kỹ thuật đã đi thăm và tìm hiểu một số mô hình nhà máy điện tại Hàn Quốc. Tại đây đoàn đã đến thăm nhà máy điện năng lượng mặt trời Sihwa Seawall, nhà máy có diện tích 6,9 ha với công suất là 3 MW. Các tấm pin năng lượng mặt trời sử dụng năng lượng mặt trời để sản xuất điện cung cấp nguồn năng lượng sạch cho các hộ gia đình, cộng đồng và các nhà máy, góp phần cắt giảm phát thải khí các-bon. Theo ước tính, các nhà máy năng lượng mặt trời tại Hàn Quốc đóng góp đã đóng góp khoảng hơn 1 GW cho nhu cầu về điện ở nước này và trong thời gian tới ngày càng có nhiều nhà máy điện năng lượng mặt trời được xây dựng trên khắp Hàn Quốc.
Đoàn công tác tham quan nhà máy quang điện Sihwa Seawall
Cũng trong thời gian này, đoàn đã có các buổi làm việc với đại diện cấp cao của một số công ty Hàn Quốc như LS IS Co., Ltd., WooriByul Co,. Ltd., Green Solution Co. để trao đổi kinh nghiệm và bàn về khả năng hợp tác trong việc phát triển nguồn năng lượng sạch.
Tại Việt Nam nguồn năng lượng sạch – năng lượng tái tạo – mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Là nước gần đường xích đạo, với số giờ nắng trong ngày khá cao, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng mặt trời, đặt biệt là điện năng. Nguồn điện mặt trời sẽ giúp giải bài toán về cân bằng cung cầu điện vào giờ cao điểm ban ngày, thay thế cho nguồn điện truyền thống sử dụng nhiên liệu hóa thạch qua đó góp phần giảm phát thải khí CO2 vào môi trường.
Tuy nhiên, theo thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, những cơ chế chính sách hiện có chưa thiết lập được cơ chế tài chính để khuyến khích và thúc đẩy phát triển điện mặt trời. Chính vì vậy, sáng ngày 11/5, tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp với một số bộ ngành về xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, đưa ra dự thảo quy định mức hỗ trợ giá điện đối với đầu tư xây dựng công trình điện mặt trời và minh bạch thủ tục đầu tư phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Đoàn cũng đã đến thăm nhà máy thủy điện tích năng Cheongpyeong (200MW x 2) thuộc công ty Korean Hydro & Nuclear Power Co., Ltd. Được xây dựng trong thời gian 6 năm (từ 12.1974 đến 4.1980), đây là nhà máy thủy điện tích năng đầu tiên, có lịch sử phát triển lâu nhất và được vận hành nhiều nhất của Hàn Quốc.
Bên trong đường hầm dẫn vào gian máy của nhà máy thủy điện tích năng Cheongpyeong
Ngoài hoạt động phát điện thì nhiệm vụ chính của nhà máy là điều chỉnh tần số trong hệ thống điện quốc gia Hàn Quốc và vận hành khi có khu vực bị thiếu điện. Hiện nhà máy cũng đang được khai thác cho mục đích du lịch.
J.T